a-Nhãn lồng sử dụng như một loại rau
Ở Việt nam và một số nước Đông Nam á dùng ngọn và lá non dây nhãn lồng làm rau, do có độ nhớt cao và mùi khó chịu khi ăn sống nên nhãn lồng được dùng chủ yếu làm rau luộc để ăn.
b-Quả nhãn lồng chín ăn được
Quả nhãn lồng chín có vị ngọt, thanh, trẻ con Nam Bộ rất thích ăn.
Quả nhãn lồng ( lạc tiên)
Ngoài ra quả nhãn lồng được dùng làm nước giải khát có tác dụng mát và bổ. Cách làm như sau: Quả chín (càng chín càng thơm 0,5kg), bổ đôi, nạo hết ruột, ép và lọc lấy dịch quả. Đường trắng 250g hòa với một lít nước đun sôi để nguội. Đổ dịch quả vào nước đường, trộn đều. Nước quả nhãn lồng có mùi thơm đặc biệt, vị hơi chua, chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin B2.
c-Thân lá cây nhãn lồng sử dụng làm thuốc
Nhãn lồng , có tác dụng an thần, điều kinh, chữa ho, phù thũng, suy nhược thần kinh. Lá và thân cây cũng có nhiều tác dụng dược.
Các hoạt chất thấy trong cây nhãn lồng có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, giúp trấn tĩnh, chống hồi hộp, lo âu, mất ngủ. Dân gian Việt Nam thường dùng cây này làm thuốc an thần.
Cây lạc tiên là một loại dược liệu được dùng trong sản xuất đông dược và tân dược; mọc hoang ở nhiều nơi, thường gặp ở các bãi hoang, bờ bụi. Dân gian thường dùng dây và lá sắc uống làm thuốc an thần chữa mất ngủ.
Theo sách “Trung dược đại từ điển”, quả lạc tiên (long châu quả) vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy, dùng chữa ho do phế nhiệt, phù thũng, giã đắp chữa ung nhọt lở loét ở chân.
Theo sách “Thuốc cổ truyền và ứng dụng lâm sàng” của giáo sư Hoàng Bảo Châu, dây, lá, hoa thái nhỏ, phơi khô của lạc tiên có công dụng an thần, giải nhiệt, mát gan; chữa trị chữa đau đầu, mất ngủ, thường phối hợp thêm với một số vị thuốc khác. Có tài liệu cho biết có thể dùng quả lạc tiên sắc lấy nước uống chữa lỵ; lá lạc tiên nấu nước để tắm, rửa trong chữa trị viêm da, mụn mủ, ghẻ ngứa.
Lạc tiên có trong Dược điển Pháp và được nhiều nước ở Châu Âu, Mỹ sử dụng. Các nghiên cứu cho thấy nó có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: trấn tĩnh, an thần, chống hồi hộp, lo âu, mất ngủ. Nó còn có tác dụng trực tiếp lên cơ trơn, làm giãn và chống co thắt nên chữa được các chứng đau do co thắt đường tiêu hóa, tử cung.
Trong Đông dược, lạc tiên được chế thành một số sản phẩm dạng nước, viên và trà.
Sau đây là các bài thuốc từ cây nhãn lồng:
1-Trị bệnh mất ngủ, ngăn chặn nồng độ cholesterol tăng bất thường, ăn ngon miệng, ổn định tâm sinh lý
Hái đọt non cả lá, dây và quả đem nấu canh với tôm, thịt, cá đồng ăn để giúp dễ ngủ. Dân gian thường lấy đọt nhãn lồng non luộc để ăn vào buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ vài giờ. Hái nhãn lồng đem về phơi khô (cả rễ, dây, lá, quả), thái dài 3 cm, sao vàng tán nhuyễn thành dạng bột, pha thêm vào một chén nước cốt trà đen đậm, vo viên tròn cỡ ngón tay út. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 5 viên, liên tục 60-90 ngày trị mất ngủ (theo lương y Quốc Trung).
2- Trị stress dai dẳng, mệt mỏi cơ thể
Lấy 300g nhãn lồng tươi (cả lá, dây, quả) đem phơi 2 nắng (hoặc sao vàng), 200g râu bắp vừa ngậm sữa, 100g rau má (sao vàng), đem nấu chung với 500 ml nước có pha 3g muối. Nấu còn lại 200 ml, uống 2 lần/ngày (trưa và tối). Dùng liên tục 7 ngày giúp an thần, chống stress. (theo lương y Quốc Trung).
3-Người lớn tuổi khó ngủ, thường bị đau nhức, phụ nữ hành kinh sớm, hoặc phụ nữ sau mãn kinh dễ cáu gắt
Lấy 500g nhãn lồng (cả rễ, dây lá, quả non), 300g hoa thiên lý, đem sao vàng, tán nhuyễn dạng bột cho thêm 50g đậu xanh (để cả vỏ), rang chín, cũng tán nhuyễn. Mỗi ngày pha 3 muỗng canh vào 100 ml nước sôi để nguội, uống mỗi khi khát. Sau 10 ngày sẽ kết quả. Bệnh hạ huyết áp dùng đơn thuốc này cũng hiệu nghiệm. (theo lương y Quốc Trung).
4-Giúp an thần, trợ tim, ngủ êm, dịu thần kinh
Dùng hạt sen 12g, lá tre 10g, cỏ mực 15g, lá dâu 10g, nhãn lồng 20g, vông nem 12g, cam thảo 6g, táo nhân sao 10g. Đổ 600 ml nước, sắc (nấu) còn 200 ml nước, uống ngày 1 thang. (theo lương y Quốc Trung).
5-Chữa phù thũng, viêm da có mủ, ghẻ lở, ngứa, loét ở chân: thì dùng lá nhãn lồng nấu nước tắm rửa và giã cành lá tươi để đắp lên (theo lương y Quốc Trung).
6-Chữa lỵ
Dùng qủa nhãn lồng 60 g, rửa sạch, sắc lấy nước, pha thêm đường, chia 2 lần uống trước bữa ăn (Theo sách "Phúc Kiến dân gian thảo dược").
7-Chữa thần kinh suy nhược
Dùng dây, lá nhãn lồng 8 - 10g, sắc uống. Hoặc phối hợp với lá vông, lá dâu tằm, tâm sen, nấu thành cao lỏng uống, ngày dùng 2 - 5g, uống trước khi đi ngủ.( theo Y học cổ truyền Việt Nam).
Kỹ sư Hồ Đình Hải
Vui lòng đợi ...